Trang chủ Kiến thức YHCT Bài thuốc hay Y học cổ truyền điều trị vô sinh do suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng

Y học cổ truyền điều trị vô sinh do suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng

Y học cổ truyền điều trị vô sinh do suy giảm

chất lượng và số lượng  tinh trùng

 

Suy giảm tinh trùng (SGTT) là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh nam, được chẩn đoán qua xét nghiệm tinh dịch đồ. Tình trạng này ngày nay có xu hướng gia tăng. Theo khảo sát của Lê Thị Hương Liên (2008) đối với các nam giới đến khám tại bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tỉ lệ tinh trùng ít chiếm 58,1%, tỷ lệ tinh trùng bất thường 65,9%. Tác giả Lê Hoài Chương (2013) nghiên cứu trên 445 nam giới thiểu năng tinh trùng thì thấy 90,6% tinh trùng yếu. Hơn nữa vô sinh do nam giới chiếm 50% trong các cặp vợ chồng vô sinh. Xã hội ngày một phát triển nhưng kèm theo công nghiệp hóa hiện đại hóa là ô nhiễm môi trường nặng, stress, lạm dụng hóa chất…. Những yếu tố đó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên quá trình sinh sản và trưởng thành của tinh trùng khiến cơ chế bệnh sinh của suy giảm tinh trùng phức tạp. Y học hiện đại đã có nhiều thành tựu trong điều trị suy giảm tinh trùng nhưng kết quả không ổn định và dễ có những tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy việc sử dụng các phương thuốc y học cổ truyền (được cho là ít có tác dụng phụ và có hiệu quả lâu dài hơn) điều trị suy giảm tinh trùng đã và đang được quan tâm.

Suy giảm tinh trùng không có bệnh danh riêng, thuộc phạm vi chứng “vô tử”, “cầu tự”.Theo Nam khoa học, Chẩn trị Trung – Tây y kết hợp trong điều trị vô sinh và Chứng bệnh vô sinh do nam giới chia SGTT thành các thể lâm sàng:

*Thận âm hư

– Triệu chứng: sắc mặt không tươi, chóng mặt, ù tai, lưng gối mỏi yếu, râu tóc bạc sớm, tinh thần mệt mỏi hay quên, trí nhớ giảm sút, chân tay mềm yếu, động tác chậm chạp, dương nuy, lượng tinh dịch ít, số lượng tinh trùng ít nên không có con. Mạch xích trầm tế vô lực. Nếu âm hư hỏa vượng sẽ có ngũ tâm phiền nhiệt, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch.

– Pháp điều trị: Bổ ích tinh tủy, tư bổ thận âm.

– Phương dược: “Ngũ tử diễn tông hoàn” hợp với “Giác lộc nhị tiên giao” gia giảm, “Tri bá địa hoàng thang” gia giảm hoặc “Ích tinh xung tễ.

*Thận dương hư

– Triệu chứng: tinh thần mệt mỏi không phấn chấn, sắc mặt nhợt, tiếng nói nhỏ, sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng gối mỏi, tiểu nhiều lần hoặc tiểu són, nước tiểu trong dài, đại tiện nát, số lượng tinh trùng ít, sức hoạt động tinh trùng yếu, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm nhược.

– Pháp điều trị: ôn thận tráng dương, cố tinh ích khí.

– Phương dược: “Kim quỹ thận khí hoàn” gia giảm, “Nhị liên thập tử thang”, “Hữu quy hoàn gia giảm” hoặc “Tán dục đơn” .

*Tỳ hư tinh tổn

– Triệu chứng: mệt mỏi, sắc mặt vàng úa, mất sức, đầu váng, mắt hoa, đêm ngủ không yên, hay quên ăn kém, luôn có cảm giác đầy trướng bụng, đại tiện phân nát, số lượng tinh trùng ít, sức sống tinh trùng yếu, liệt dương, chất lưỡi bệu nhớt, có vết hằn răng, rêu lưỡi trắng, mạch vô lực.

– Pháp điều trị: ích khí kiện tỳ, dưỡng huyết sinh tinh.

– Phương dược: “Quy tỳ thang” gia giảm hoặc “Bát trân sinh tinh thang” gia giảm hoặc “Sinh tinh thang” .

*Can khí uất kết

– Triệu chứng: tinh trùng yếu, chết nhiều, số lượng tinh trùng ít, hay nhói đau tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh, bất lực, ngực sườn đầy chướng, hay cáu gắt, chất lưỡi tối có chấm ứ huyết, mạch huyền sáp hoặc huyền khẩn.

– Pháp điều trị: Sơ can giải uất, kiện tỳ hòa doanh, hoạt huyết hóa ứ thông tinh.

– Phương dược: “Hắc tiêu dao tán” hợp “Huyết phủ trục ứ thang” gia giảm

*Thấp nhiệt hạ tiêu

– Triệu chứng: sau khi kết hôn không có con, đau mỏi lưng, hai chân mỏi, người mệt mỏi vô lực, miệng đắng, biếng ăn, đầu váng, miệng khô đắng mà không muốn uống nước, ngứa hoặc tức nặng bộ phận sinh dục, đau chướng ở hội âm hoặc tinh hoàn, tinh dịch đặc mùi hôi, trong tinh dịch có nhiều hồng cầu, bạch cầu, số lượng tinh trùng ít, tỷ lệ tinh trùng chết nhiều, tiểu tiện đục và nhỏ giọt, cảm giác nóng rát niệu đạo khi tiểu hoặc phóng tinh, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác hoặc nhu sác

– Pháp điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc.

– Phương dược: “Tỳ giải phân thanh ẩm” gia giảm hoặc “Long đởm tả can thang” gia giảm.

Ngoài việc uống thuốc còn kết hợp châm cứu, khí công dưỡng sinh, giữ cho tinh thần thoải mái và chế độ ăn uống hợp lý mới đạt được hiệu quả cao trong điều trị .

Bệnh viện Y học cổ truyền Đà nẵng đã phối hợp với Trường Đại học y Hà nội nghiên cứu lâm sàng bài thuốc “Tán dục đơn” (được ghi trong sách Cảnh Nhạc toàn thư). Thành phần của 1 thang thuốc gồm:

Thục địa

24g Sơn thù 12g Đỗ trọng 12g
Bạch truật 24g Dâm dương hoắc 12g Xà sàng tử 06g
Câu kỷ tử 18g Ba kích 12g Phụ tử chế 06g
Đương quy 18g Nhục dung 12g Nhục quế 06g
Tiên mao 12g Cửu tử 12g

 

 

Kết quả như sau:

– Thuốc Tán dục đơn có tác dụng làm tăng số lượng và chất lượng của tinh trùng ở những bệnh nhân SGTT thể thận dương hư sau 2 tháng điều trị liên tục: Thể tích tinh dịch, mật độ tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng tiến tới, tỷ lệ tinh trùng sống, tỷ lệ tinh trùng hình thái bình thường đều tăng sau điều trị có ý nghĩa thống kê.Kết quả chung 56,7% đạt loại tốt, 23,3% loại khá. Giảm các triệu chứng của thể thận dương hư theo YHCT.

– Trong quá trình điều trị thuốc Tán dục đơn không gây ra các tác dụng không mong muốn. 

Nguồn: TsBs Nguyễn Văn Dũng – Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng

Ý kiến bình luận